Đậu biếc chữa suy giảm trí nhớ

ĐẬU BIẾC CHỮA SUY GIẢM TRÍ NHỚ.

Chi đậu biếc (Clitotia) thuộc họ Đậu (Fabaceae) ở Việt Nam có 5 loài: Đậu biếc (Cliroria ternatea), Đậu biếc lông vàng, đậu biếc lá nguyệt quế, đậu biếc lá nhỏ và đậu biếc hoa tím. Loài đậu biếc là cây thân leo, sống nhiều năm, dài 4-5m, quả dài 10cm, hạt 5-10 hình thận dẹt, điểm màu lục đen. Mùa hoa: tháng 6-8, mùa quả 9-11. Bộ phận dùng làm thuốc là: hạt, rễ và lá, thu hái quanh năm. Cây phân bố ở các tỉnh miền núi từ bắc vào nam, thường mọc lẫn trong các tràng cỏ cao, tràng cây bụi, đồi, bờ, nương rẫy, đôi khi thấy trong các lùm bụi quanh làng. Tái sinh tự nhiên bằng hạt.

Lá và hạt dùng làm thuốc nhuộm màu lam, lá chứa các hợp chất flavonoid, triterpenoid, alkaloid và các hợp chất lacton. Vỏ thân và hạt chứa alkaloid, hạt chứa nhựa đắng, acid tanic, cotyledon và acid amin.

Cao nước đậu biếc có tác dụng chống oxy hóa mạnh hơn cao cồn, cao nước có trong thành phần thuốc mỡ tra mắt và kem chống nhăn, hàm lượng chất phenolic toàn phần là 1,9mg/g, tính theo đương lượng với acid gallic.

Cao nước rễ đậu biếc có tác dụng làm tăng trí nhớ và khả năng học tập. Với liều 100mg/kg cao nước rễ trong 30 ngày, làm tăng có ý nghĩa hàm lượng acethylcholin trong đồi hải mã ở não, so với đối chứng tương xứng về tuổi. Tác dụng của cao methanol rễ đậu biếc đã được nghiên cứu trên hành vi nhận thức , lo âu, trầm cảm, stress và co giật, ngoài ra đậu biếc còn có tác dụng hạ nhiệt, chống viêm, giảm đau. Cao nước có tác dụng làm tăng các giao điểm sợi nhánh của tế bào thần kinh, các điểm phân nhánh và các u đuôi gai phát sinh từ soma của tế bào thần kinh, so với lô đối xứng tương xứng về tuổi. Sự tăng phân nhánh đuôi gai của tế bào thần kinh có liên quan với tăng khả năng học và nhớ. Điều đó cho thấy, cao nước rễ đậu biếc có tác dụng làm tăng trí nhớ, do tăng chức năng của tế bào thần kinh. Điều đó cũng phù hợp với kinh nghiệm sử dụng đậu biếc trong y học cổ truyền Ấn Độ, để làm  thuốc tăng trí nhớ, hưng trí, chống stress, giải lo âu, chống trầm cảm, chống co giật, gây trấn tĩnh và an thần. Một nghiên cứu mới đây của khoa Dược, Đại học Jadavpur-Kolkata Ấn Độ, đã chứng minh cao chiết methanol rễ đậu biếc có tác dụng bảo vệ gan, ở liều 200mg/kg, tác dụng này tương đương với sylimarin ở liều 100mg/kg. Trong một công trình nghiên cứu lâm sang trên bệnh nhân mất trí nhớ do lão suy, kết quả cho thấy bài thuốc Brahmi (gồm cao chiết rau đắng biển, cao chiết đậu biếc và cao chiết táo nhân) có tác dụng chống suy giảm chất dẫn truyền thần kinh  acethylcholin, kích thích quá trình tạo ra acethylcholin và bảo vệ tế bào thần kinh, là bài thuốc có tác dụng tốt trên bệnh nhân mất trí nhớ thể lão suy.

Theo y học cổ truyền, rễ và vỏ cây đậu biếc có vị chát, đắng, có công năng lợi tiểu, nhuận tràng, làm dịu và săn da, giải độc.Rễ được dùng để giải nhiệt, làm thuốc chống lão suy, lo âu và co giật. Năm 2000, Agrawal và cộng sự đã chứng minh, bài thuốc Brahmi có tác dụng tốt trên khả năng học và nhận thức của học sinh có học lực yếu, do rau đắng biển có tác dụng chống oxy hóa mạnh, đậu biếc có tác dụng tốt trên khả năng học và nhớ, đặc biệt trong giai đoạn cần tập trung . 

Bài viết liên quan